Không biển hiệu, không một dòng quảng cáo nhưng đến Pleiku, Gia Lai hỏi tên bà ai cũng biết. Hơn 20 năm qua, hàng ngàn bệnh nhân bỏng nặng được “thần y” này chữa khỏi.
Tiếng lành đồn xa
Bà Ngoạn chữa bỏng cho một bệnh nhân. |
Chuyến xe khách từ Đăk Lăk về hôm đó ông Ngoạn - chồng bà Nguyễn Thị Hoàng Anh (bà con lối xóm vẫn gọi bà theo tên chồng) gặp một anh thợ xẻ bị bỏng nặng. Thương anh thợ xẻ nghèo, ông Ngoạn bảo anh về nhà để vợ chữa giúp. Trước đó, ông biết vợ ông chữa bỏng cho người thân trong gia đình bằng bài thuốc Bắc gia truyền.
Bà Ngoạn bối rối. Phần vì chưa từng chữa bỏng cho người ngoài bao giờ, phần nữa vết bỏng quá lớn của anh thợ xẻ. Nể chồng, thương người, bà điều chế thuốc điều trị. Một tuần sau vết bỏng không còn chảy nước vàng, bắt đầu kéo da non. Sau hơn 15 ngày, làn da thay mới và lành hẳn. Tiếng tăm "thần y Phố núi chữa bỏng" lan ra từ đó…
Hôm tìm đến nhà bà vì không quen đường, tôi gọi điện thoại hỏi thử tổng đài 1080 Gia Lai. Thật bất ngờ là nhân viên tổng đài đã biết và hướng dẫn một cách tận tình. Tôi hiểu tài chữa bỏng của bà không phải là lời đồn đoán.
Trong cuốn sổ nhật ký mới ghi từ ngày 5/1/2011 đến nay, đã có 51 trường hợp được bà Ngoạn điều trị khỏi, 5 trường hợp đang được điều trị tại nhà. Có những trường hợp bị bỏng tập thể như 27 công nhân của Công ty Ô Lam năm 2007 hay 6 nạn nhân đang ăn lẩu tại một nhà hàng ở Pleiku bị nổ bình gas. Mỗi bệnh nhân gặp nạn được chuyển đến đây hầu hết bị bỏng nặng. Vậy mà chỉ nửa tháng sau họ đã hồi phục hoàn toàn. Điều đặc biệt là không để lại vết sẹo.
Kỳ diệu hơn nữa là bà Ngoạn từng chữa lành cho không ít trường hợp bỏng đến 70% cơ thể, độ bỏng cao đến độ 3, độ 4 (bình thường, bị bỏng 60% là khó qua khỏi). Chúng tôi xác minh 2 bệnh nhân trong số đó vẫn còn giữ hồ sơ bệnh án:
Anh Trần Văn Hoàng ở thôn Thống Nhất, xã Ia Ga, Chư Prông, Gia Lai. Năm 2005 anh Hoàng bị bỏng nặng, nằm ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) gần 3 tháng. Bao nhiêu tiền tích cóp đã trôi theo tiền thuốc men, gia đình quyết định sẽ bán nhà, bán vườn tiêu để cứu Hoàng…
Bà Hoa, mẹ Hoàng kể: Ban đầu nghe người ta mách cũng nửa tin nửa ngờ. Mang con về Pleiku tôi cũng lo lắm nhưng hết cách rồi đành "nhắm mắt đưa chân" giao con cho cô Ngoạn. Nhờ ơn cô Ngoạn con tôi được cứu sống. Em nó bị nặng vậy mà chỉ một tháng là lành hẳn…".
Cái tâm của "thần y"
Bệnh nhân bị bỏng trên 60% cơ thể được coi là rất nặng, điều trị theo phương pháp Tây y thường rất khó khăn. Nếu quả thật với những gì bệnh nhân phản ánh về “thần y” Ngoạn, tôi nghĩ đây là điều cần được nghiên cứu để có kết luận khoa học chính thức. Bác sĩ Trần Văn Khâm - Chánh Thanh tra Sở Y tế Gia Lai |
Bà Ngoạn quê gốc Quảng Ngãi. Bài thuốc chữa bỏng thần hiệu gồm nhiều vị thuốc Bắc phối hợp, được cụ tổ truyền lại. Một số người trong gia đình các thế hệ trước cũng đã được truyền nhưng không ai thực hiện được. Chỉ bà có cơ duyên, lại là chịu khó học hỏi rồi nghiên cứu, điều chế phát triển thêm mới có được bài thuốc chữa bỏng hiệu quả như ngày nay…
Chữa bỏng hay có tiếng, điều đáng quý hơn là cái "Tâm" dầy nhân hậu của bà… Em Nông Tiến Trung, học sinh lớp 10 Trường THPT Pleiku bị bỏng nặng phần mặt do nổ bếp gas mini.
Biết hoàn cảnh gia đình Trung khó khăn, bà Ngoạn đã miễn phí toàn bộ tiền thuốc men cho em… Ngoài ra, không ít trường hợp bệnh nhân bị bỏng nặng, cho là không qua khỏi, người nhà chở họ đến "giao vạ" bà rồi trốn biệt. Bà chỉ còn biết "dở khóc, dở cười".
Không những chẳng được một xu tiền công mà còn phải nuôi nạn nhân ăn ở đến khi bình phục rồi đưa tiền xe để nạn nhân về quê như trường hợp của chị Nguyễn Thị Lan ở Diễn An, Diễn Châu, Nghệ An… Nhiều trường hợp khi đến thăm bệnh tại nhà, thấy hoàn cảnh khó khăn, bà đã vận động quyên góp quần áo đem tặng. Nhiều người nhớ ơn, thỉnh thoảng ghé thăm mang ít củ lang, con gà… đến biếu.
Bà rất cảm động, coi đó là món quà có ý nghĩa nhất đời mình… Chẳng thế mà một vị lãnh đạo tỉnh Gia Lai nói với bà sau khi cứu con ông bị bỏng nước sôi: "Cô đã sinh cháu thêm lần nữa!".
24 tháng 3 2011
//
TAG
Xã hội
//
0
nhận xét
//
0 nhận xét to "'Thần y' chữa bỏng"
Đăng nhận xét
* Bạn có thể nhận xét / góp ý / bình luận tại đây.
* Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
* Bạn chưa có tài khoản vẫn có thể nhận xét bằng cách chọn hồ sơ là Tên/URL (với URL là địa chỉ email hoặc blog của bạn).