Phim Tết Việt đã thực sự “mất thiêng”?

Những bộ phim hài chiếu Tết giờ đây không còn là món ăn tinh thần duy nhất đáng chờ đón trong năm nữa, thay vào đó là một thời kỳ đột phá mới của điện ảnh Việt Nam sắp bắt đầu. 
Đầu tuần này, 3 phim Tết 2011 đã hoàn toàn lộ diện, nhìn ở bất kỳ góc độ nào thì Cô dâu đại chiến (ĐD: Victor Vũ) cũng vượt trội hơn 2 phim còn lại là Thiên sứ 99 (ĐD: Nguyễn Minh Cao) và Bóng ma học đường (ĐD: Lê Bảo Trung).

Nếu trong văn học từ lâu đã dùng khái niệm paraliterature để chỉ những tác phẩm “cận văn học” như khoa học viễn tưởng, kinh dị, bí ẩn, tiểu thuyết ba xu, truyện tranh..., thì gần đây ngành điện ảnh cũng dùng phổ biến khái niệm paracinema để chỉ những bộ phim “cận điện ảnh”. Khái niệm này không có ý nhận xét những tác phẩm thể loại “cận” là hay hoặc dở, mà đơn thuần để phân biệt các tác phẩm “cận” với dòng văn học, điện ảnh thuần túy.

“Cận” điện ảnh

Trong 3 phim vừa kể trên, chỉ có Cô dâu đại chiến là tương đối thuần điện ảnh, 2 phim còn lại chỉ “cận” điện ảnh, theo 2 nghĩa khác nhau.

Thiên sứ 99 chưa phải là điện ảnh, vì nó chỉ dùng chất liệu phim để kể lại một câu chuyện khá ngây ngô và thô thiển, thiếu vắng ngôn ngữ điện ảnh.

Bóng ma học đường thì “cận” theo nghĩa dùng một kỹ thuật có tính tiên phong (3D) để làm phim, nhưng vì mải chạy theo kỹ thuật nên ngôn ngữ điện ảnh cũng bị “bỏ qua”.

Nhìn chung, 3 phim này đều vì một mục đích tối thượng, với ý đồ khá rõ ràng: thu hút khán giả đến rạp để giải trí thuần túy. Dân gian hay nói “hai đánh một không chột cũng què”, trong trường hợp này thì ngược lại, “ma” và “thiên sứ” bị đánh bởi “cô dâu”. Bởi so về kịch bản, cả 3 đều không có gì mới, nhưng Cô dâu đại chiến xử lý thông minh, gần gũi và hài hước hơn. So về diễn xuất thì Cô dâu đại chiến quá ưu trội, cách diễn của Huy Khánh, Lê Khánh, Ngọc Diệp, Ngân Khánh... tạo bất ngờ và hứng thú cho người xem, trong khi phần lớn các vai của 2 phim còn lại hình như chẳng phân biệt được sân khấu, phim truyền hình và điện ảnh. Về thủ pháp điện ảnh thì Victor Vũ nhuần nhuyễn, nhiều sáng tạo hơn.

Cảnh trong phim Cô dâu đại chiến. Ảnh: Đoàn phim cung cấp
Thô như phim “luận đề”

Giống như tinh thần của tiểu thuyết luận đề hồi thập niên 1930-1940 tại Việt Nam, điểm yếu kém nhất của 3 bộ phim này vẫn là tính chất luận đề, khi đổ toàn bộ công sức ra xây dựng câu chuyện, để cuối cùng nói chuyện đạo lý một cách giản đơn. Đành rằng đạo lý là giềng mối của xã hội, nhưng nghệ thuật không thể làm thay chức năng của đạo đức học, nên đạo lý phải để người xem tự hiểu qua hình tượng nhân vật, chứ không phải nghe nhân vật “rao giảng”.

Thiên sứ 99 kể chuyện một thiên tử bị đày từ trên trời xuống trần gian vì tội làm đánh mất mũi tên tình yêu. Thách thức với chàng trai này là phải tìm được 99 lời tỏ tình thì mới được trở về trời. Đáng lý đây là một câu chuyện khá lãng mạn, nhưng rồi tất cả các nhân vật không làm nghĩa vụ xây dựng hình tượng cho mình, mà chỉ mở miệng nói những câu đạo lý sáo rỗng. Kết thúc phim, người xem thấy chẳng có gì là thách thức với vai chính này cả, khi cái tội “động trời” ấy dễ dàng được tha thứ, vì các nhân vật công nhận với nhau bằng lời nói là Thiên Minh đã ăn năn, đã thay đổi.


Hình trong phim Thiên Sứ 99

Kín đáo hơn một chút là Bóng ma học đường, khi cấu trúc của kịch bản có nhiều đất để diễn xuất, thế nhưng khi cần làm rõ một vấn đề, các nhân vật đã chọn cách nói chuyện đạo lý, chứ không phải thể hiện bằng tình huống hay hình tượng. Cái ác dễ dàng thay đổi thành cái tốt hoặc dễ dàng bị trừng trị bởi lời thoại, chứ không phải bằng sự biến chuyển hợp lý về hình tượng nhân vật.

Cô dâu đại chiến đáng lẽ thoát được cái kết luận đề khi gần 90 phút phim, đạo diễn đã dẫn dắt người xem theo tình huống của câu chuyện và từng nhân vật. Thế nhưng khi mọi chuyện vỡ lẽ và cho thấy Thái (do Huy Khánh thủ vai) là một chàng lăng nhăng, đa tình thì ở phút thứ 89, Linh (Ngọc Diệp) lại phán một câu kết phim khá luận đề, phải nói là “gây sốc” cho người xem. Bởi với phim này, không có câu luận đề này thì càng hoàn chỉnh, vì người xem đã nắm trọn vẹn ý đồ kịch bản qua các tình huống tương đối chặt chẽ, logic.

Phim Tết, chào mi!

Với thực tế là năm 2010 đã có vài phim thành công về doanh thu như Bẫy rồng, Để Mai tính, Giao lộ định mệnh, Cánh đồng bất tận... và cả vài chục dự án điện ảnh đang rục rịch cho những năm tới, nên phim Tết bây giờ đã gần như... mất thiêng. Vì với đà sản xuất như thế này, thì khoảng 2015, mỗi năm Việt Nam phải có đến 20 phim, 5 cái Tết chiếu cũng không hết, chứ đừng nói 1 cái. Câu ca “có đói cũng ngày Tết, có hết cũng ngày mùa” không còn phù hợp với điện ảnh nữa rồi.

Có ý kiến cho rằng nên dần dần dẹp bỏ tư duy làm phim để chiếu Tết, vì cách làm có thiên hướng dễ dãi này (chủ yếu hài hước, giải trí nhẹ nhàng) sẽ kéo thụt lùi tay nghề của vài đạo diễn và ê-kíp, dẫn đến làm thụt lùi “gu” thẩm mỹ nơi người xem. Nên bắt đầu nói câu tạm biệt: Phim Tết, chào mi!


0 nhận xét to "Phim Tết Việt đã thực sự “mất thiêng”?"

Đăng nhận xét

* Bạn có thể nhận xét / góp ý / bình luận tại đây.
* Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
* Bạn chưa có tài khoản vẫn có thể nhận xét bằng cách chọn hồ sơ là Tên/URL (với URL là địa chỉ email hoặc blog của bạn).

Loading