Một vụ sập mỏ đá, 40 đứa trẻ thành mồ côi

Những ngày này, tang trắng phủ kín xã Nam Thành (Yên Thành, Nghệ An). Nỗi đau không thể nói hết bằng lời. Nỗi đau quật ngã người ở lại... Sau buổi sáng ngày 1/4 định mệnh ấy, có 40 đứa trẻ mãi mãi mất đi người thân yêu nhất của mình.

Những đứa trẻ mồ côi...


Bé Kế (ngồi cạnh bố) và các anh chị em của mình vẫn tin mẹ - nạn nhân Nguyễn Thị Thứ - đi chợ chưa về

Bé Kế, con trai thứ 3 của nạn nhân Nguyễn Thị Thứ (xóm Phan Đăng Lưu, xã Nam Thành) đang chạy nhảy khắp nhà khi chúng tôi đến thăm. Kế còn quá nhỏ để hiểu hết mất mát mà mình và các anh chị em đang phải gánh chịu. Thằng bé hồn nhiên vui đùa vì bỗng thấy hôm nay nhà mình đông người đến quá. Thấy bố khóc, bà nội khóc, những người thân khóc, đang cười đùa thằng bé cũng đứng dậy mếu máo theo.
"Tối qua Kế ngủ với ai?' - Tôi hỏi. "Kế ngủ với mẹ!" - Kế hồn nhiên trả lời rồi như sực nhớ ra, cậu bé vội đính chính: "Kế ngủ với bà, mẹ đi chợ chưa về".
4 anh em của Kế, đứa lớn nhất đang học lớp 4, đứa nhỏ nhất mới hơn một tuổi, đã thành trẻ mồ côi mẹ. Khát sữa mẹ, đứa út khóc mãi không thôi. Người cha vụng về không biết làm sao cho con nín cũng khóc theo. 4 đứa trẻ ngơ ngác bên bàn thờ nghi ngút khói hương...
Căn nhà nhỏ sát cánh đồng của làng Phan Đăng Lưu cũng chìm trong tang tóc. Bé Nguyễn Sỹ Kiên, con nạn nhân Nguyễn Thị Quyền, vừa mất mẹ vừa mất đi người em chưa kịp chào đời (chị Quyền đang mang thai). Trong căn nhà nhỏ không có gì đáng giá, đến cái giường ngủ cũng không có, tối nào 2 mẹ con cũng nằm trên chiếc chõng tre (anh Nguyễn Sỹ Cường, chồng chị Quyền phải vào Nam làm ăn). "Mẹ dặn Kiên phải ngoan, vâng lời để mẹ đi làm nuôi hai anh em Kiên. Kiên không khóc mô. Mẹ đi rồi mẹ phải về với Kiên phải không dì?" - Lời nói ngây thơ của đứa trẻ như cứa vào tâm can những người có mặt.
Mẹ Kiên mãi mãi không thể trở về được nữa. Căn nhà vốn trống huơ trống hoác giờ lại càng trống trải hơn. Gió từ ngoài đồng thổi hun hút vào nhà.

Những đứa trẻ còn quá nhỏ để có thể cảm nhận hết nỗi đau mất cha, mất mẹ

Trong căn nhà nhỏ sát núi Lèn Cờ của anh Chu Ngọc Mạnh có 4 đứa con sống lăn lóc như củ khoai củ sắn. Anh Chu Ngọc Tú, anh trai anh Mạnh than: "Hắn đi để lại cho vợ 1 đàn con nheo nhóc, đứa nhỏ nhất chưa đầy 1 tuổi. Không biết vợ hắn có vượt qua được nỗi đau ni mà sống nuôi con không". Bên cạnh nỗi đau mất chồng, vợ anh còn nẫu ruột với món nợ 150 triệu đồng, mất anh rồi không biết khi nào chị mới trả hết...
40 đứa trẻ chung nhau một nỗi đau mất cha mất mẹ. Sau cái ngày 1/4 định mệnh ấy, cuộc đời những đứa trẻ này rẽ sang một bước ngoặt lớn, đầy chông gai!
... và nguy cơ thất học
Đối mặt với hiểm nguy, những công nhân làm việc lại mỏ Lèn Cờ kiếm được mỗi ngày 60.000 đồng. Số tiền ít ỏi phải đổi bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu ấy tằn tiện lắm mới lo được cho đàn con tới trường. Đá mang lại cho các em bát cơm, cái chữ và giờ lại cướp đi cha mẹ của các em. Những đứa trẻ mồ côi này đang phải đối mặt với nguy cơ thất học hiện hữu trước mắt.
Sinh ra trong nghèo khó, 3 anh em Nguyễn Văn Đạo (SN 1986), Nguyễn Văn Cương (SN 1989) và Nguyễn Thị Thương (SN 1990) luôn cố gắng học thật tốt bởi mẹ em (nạn nhân Trần Thị Sáu) vẫn dạy: chỉ có học giỏi mới có thể thoát nghèo. Hiện Đạo là sinh viên năm cuối trường Cao đẳng Nghề Việt Bắc, Cương là sinh viên trường ĐH Giao thông vận tải cơ sở 2 và Thương là sinh viên trường Cao đẳng Xây dựng.

Sự ra đi của bà Trần Thị Sáu khiến chặng đường học hành của anh em Thương gặp nhiều khó khăn.
Tháng 8/2010, cha của các em qua đời vì bệnh ung thư. Nay mẹ lại mất, nỗi đau quá lớn khiến các em không còn đứng vững. Dựa vào anh trai, Thương nức nở: "Sau ngày cha mất, 3 anh em sợ mẹ cực khổ nên đề nghị được nghỉ học đi làm phụ mẹ. Biết được ý định của chúng em, mẹ chỉ nói: Đói rách, cực khổ đến mấy mẹ cũng chịu được. Các con cứ yên tâm mà vào trường. Các con phải học thật giỏi mới mong sau này đỡ khổ hơn mẹ. Rứa mà giờ mẹ đã bỏ anh em em rồi chị ơi...".
Hai cái tang lớn trong vòng hơn nửa năm khiến con đường học hành như đóng sập trước mắt 3 anh em Thương.
Đáng thương nhất có lẽ là 7 đứa con của nạn nhân Lê Đình Phúc (xóm Lâm Thành, xã Nam Thành): đứa lớn nhất học năm thứ 2 Đại học Kinh tế Huế, đứa thứ 2 học lớp 10, đứa kế đó học lớp 7, đứa lớp 4, đứa đi mẫu giáo, 2 đứa nhỏ mới chỉ biết đi.

Con đường đến trường của 7 đứa con nạn nhân Lê Đình Phúc cũng trở nên mù mịt hơn trước sự ra đi đột ngột của anh

Nước mắt như mưa, chị Thái Thị Sinh vợ anh nghẹn ngào: "Một mình tui không biết có nuôi nổi đàn con ni không. Tui không muốn con mình phải thất học nhưng biết mần răng được hả trời...". Nghèo khó nhưng đứa nào cũng sáng dạ, năm nào cũng đưa những tấm giấy khen về khoe với bố...
Những đứa trẻ mồ côi, những đứa trẻ không còn cơ hội đến trường, những đứa trẻ đang đối mặt với bộn bề thiếu thốn, đang rất cần những bàn tay nâng đỡ, tiếp sức cho tương lai các em.
Nguyễn Duy - Hoàng Lam


0 nhận xét to "Một vụ sập mỏ đá, 40 đứa trẻ thành mồ côi"

Đăng nhận xét

* Bạn có thể nhận xét / góp ý / bình luận tại đây.
* Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
* Bạn chưa có tài khoản vẫn có thể nhận xét bằng cách chọn hồ sơ là Tên/URL (với URL là địa chỉ email hoặc blog của bạn).

Loading