Với bộ áo quần bệnh nhân, một ít đồ dùng cá nhân và một ít nước màu bết lên người… những kẻ lười lao động đã hóa trang thành những thân người lở loét lê lết trên phố, lừa gạt lòng thương người.
Ngày chủ nhật, chợ Bà Chiểu (phường 1, quận Bình Thạnh - TP HCM) đông nghẹt. Lẫn trong dòng người đi chợ là hình ảnh một người đàn ông khoảng 50 tuổi lê lết giữa đường. Với chiếc đệm làm từ vỏ xe hơi lót dưới mông, hai bàn tay xỏ vào hai chiếc dép, ông ta nhích người một cách khổ cực. Di chuyển được vài mét, người đàn ông lại chìa nón ra xin tiền.
Diễn như thật
Thỉnh thoảng người đàn ông này lại lăn ra đường, miệng mếu máo khóc như đứa trẻ lên ba. Sau khi lết người qua hết đường Vũ Tùng, ông ta lại vòng qua khu vực đường Bùi Hữu Nghĩa tiếp tục hành nghề. Sau màn “biểu diễn” ăn khách, “người đàn ông tội nghiệp” tiếp tục di chuyển đến một số địa điểm khác gần đó để diễn và xin tiền.
Người đàn ông hóa trang thành một người tàn tật để ăn xin tại chợ Bà Chiểu |
Khoảng 10h, người đàn ông lần ra một số quán cà phê trên đường Đinh Tiên Hoàng (phường 3, quận Bình Thạnh) để tiếp tục hành... nghề. lần này ông không biểu diễn mà cố gắng dùng hai cánh tay di chuyển người càng nhanh càng tốt như sợ ai đó nhìn thấy.
Sau một buổi “diễn kịch”, ông ta chui vào góc khuất để đếm tiền |
11h30, ông đi đến sau trạm chờ xe buýt gần đó rồi từ từ mở dây, lấy chiếc đệm dưới mông ra, cuộn tròn bỏ vào túi, mặc vào chiếc áo thun màu da cam, đứng phắt dậy rồi nhảy tót lên chiếc xe buýt số 59 đi tuyến Bến xe Miền Đông - Chợ Lớn để hòa vào hành khách trên xe.
Sau đó thay quần áo, trở lại là một người lành lặn, khỏe mạnh, ông ta ung dung đón xe buýt về nhà |
Màn biểu diễn của hai thanh niên trên cầu Sài Gòn còn điệu nghệ hơn. Thỉnh thoảng vào giờ cao điểm trong ngày, một thanh niên trong trang phục bệnh nhân nằm oặt ẹo trên tay một thanh niên khác, bên cạnh là một chiếc giỏ đựng vài thứ lặt vặt y hệt bệnh nhân vừa xuất viện.
Mỗi khi có ai cho tiền, người thanh niên khỏe mạnh thường “ca” bài “em trai con bị suy thận nằm ở Bệnh viện Chợ Rẫy nhưng hết tiền nên ra đây đứng xin tiền để đón xe về quê!”. Một lần, tôi bỏ 50.000 đồng vào chiếc nón nằm cạnh hai người và lấy máy ảnh ra chụp, ngay lập tức anh ta cầm tờ tiền nhìn tôi và nói: “Chú cho có 50.000 đồng mà chụp hình như vậy, cháu không lấy đâu, trả lại chú tiền này!”.
Rất đông người đi ngang qua phải trố mắt nhìn. Sau khi trả lại tiền, hai thanh niên dìu nhau đứng dậy di chuyển đến một địa điểm khác. Khoảng 11h, cả hai ung dung đi đến khu vực cầu Đen (quận 2), cởi hết y phục và thay vào một bộ đồ mới, sau đó được hai thanh niên khác đến chở về. Trong vòng buổi sáng, đã có hàng chục người đi đường bị hai thanh niên này “qua mặt”, rút tiền túi ra cho mà không hề hay biết mình bị lừa.
Cả nhà ăn xin
6h ngày 15/3, chúng tôi có mặt trước căn nhà số 134B, khu phố 5, Bến Lức, tỉnh Long An để theo chân hai mẹ con một người phụ nữ được chồng dùng xe gắn máy (biển số 62K8-6807) chở lên TP HCM để ăn xin. Đi đến Công viên Hoàng Văn Thụ (phường 1, quận Tân Bình), chọn một địa điểm vắng người, người phụ nữ thay chiếc áo trên người bằng bộ đồ bệnh nhân, sau đó chọn chỗ đông người qua lại để hành nghề.
Cả gia đình ba người đèo nhau trên xe máy từ Long An lên TP HCM |
Bà ta ngả đầu vào vai người thanh niên, khuôn mặt chuyển từ bình thường sang cau có, đau đớn, miệng liên hồi kêu đau…, người thanh niên cũng phụ họa theo khóc mếu máo, thỉnh thoảng đưa tay lên quệt nước mắt… Màn diễn quá chuyên nghiệp nên nhiều người đi đường cảm thấy xót thương, cho tiền. Người 5.000 đồng, 10.000 đồng, thậm chí có người góp luôn tờ 50.000 đồng, 100.000 đồng. Trong khoảng 30 phút, chiếc nón trống không lúc đầu giờ đã đầy tiền, chọn thời điểm ít người qua lại, người thanh niên đưa mắt quan sát rồi nhanh tay hốt tiền bỏ vào túi.
9 giờ 15 phút, hai “kịch sĩ” được người đàn ông chở đến ngã tư Lạc Long Quân - Âu Cơ. Người thanh niên ngồi bệt xuống đất để “bà lão” tựa người vào mếu máo rên rỉ. Vừa chìa chiếc nón ra, anh ta nói trong nước mắt: “Mẹ con bị ung thư giai đoạn cuối, nằm viện nhưng hết tiền… chắc cũng chết, bà con thương tình bố thí chút ít để con đưa mẹ về quê!”.
Người phụ nữ hóa trang thành “bà lão bị ung thư giai đoạn cuối” để người con trai dìu đi ăn xin |
12h 5, khi người đi đường thưa dần, người đàn ông chạy xe máy xuất hiện, sau đó cả ba cùng lên xe phóng về quán cà phê nằm cạnh tiệm rửa xe Cây Mai trên đường Nguyễn Trãi. Tại đây, nhiều người xung quanh không tin vào mắt mình khi thấy người thanh niên dốc ngược túi, đổ ra một đống tiền trên bàn rồi ngồi đếm. Còn “bà lão” thì cởi chiếc áo bệnh nhân ra và thay bằng một chiếc áo khác, sau đó móc thuốc châm lửa, nhả khói phì phèo. Uống nước, đếm tiền xong, cả ba lên xe đi một mạch ra đại lộ Đông Tây hướng về phía Long An.
Tiền triệu mỗi ngày
Ngày 18/3, tại ngã tư Lê Đại Hành – 3 Tháng 2 (quận 11), một thanh niên khoảng 25 tuổi, trên mặt có nhiều vết bầm, lở loét trông rất thảm nằm vật vờ bên lề đường, chân đầy những vết thương bê bết máu, nhiều ngón tay co cụm lại như bị dị tật. Thỉnh thoảng, anh ta ngồi dậy, chấp tay vái lạy người đi đường. Khi có người đi đường đứng từ xa cho tiền, anh ta quên hẳn là mình đang bị dị tật, đứng bật dậy ra tận nơi để lấy. Cứ khoảng 40 phút, người thanh niên này lại lấy tiền bỏ vào túi một lần, chẳng bao lâu, bốn chiếc túi quần hộp đã căng phồng.
Trời vừa đứng bóng, khi đường trở nên vắng, anh ta mang chiếc thùng giấu ở một gốc cây gần đó rồi đi về. Đến một tiệm sửa xe cách đó không xa, anh ta vào xin chủ tiệm vặn vòi nước rửa tay chân, mặt mũi. Từ một người với những vết thương chi chít, trong chốc lát đã trở thành một thanh niên khỏe mạnh. Đến một quán nước trên đường Hòa Bình (phường 3, quận 11), anh ta gọi một ly cà phê và bắt đầu lấy tiền ra đếm.
Khi kiếm được kha khá, cả ba chở nhau vào quán cà phê ngồi đếm tiền, “bà lão bị ung thư” thì ngồi phì phèo thuốc lá |
Chúng tôi ngồi kế bên quan sát, chỉ trong buổi sáng, “kịch sĩ” này xin được hơn 1,2 triệu đồng. Vừa xếp tiền, anh ta luôn miệng bàn tán chuyện đề đóm, nhậu nhẹt. Theo tiết lộ của anh ta với những người xung quanh, số tiền hơn 1,2 triệu đồng chỉ là bình thường, nhiều hôm từ sáng đến tối anh ta “diễn” và thu được gần 4 triệu đồng. Vào những ngày mùng 1 hoặc 15 âm lịch hằng tháng, tiền xin được còn nhiều hơn.
Tương tự, những ai thường lưu thông trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3) hoặc cầu Ông Lãnh (quận 1), thỉnh thoảng lại gặp một cặp vợ chồng khoảng 40 tuổi bế nhau. Người đàn ông luôn than vợ của ông bị bệnh động kinh, điều trị nhiều năm trời nhưng không hết bệnh, nay phải đi ăn xin, tích góp để đưa vợ đi điều trị. Với trò “động kinh”, hằng ngày cặp vợ chồng này đã đánh lừa lòng tốt của mọi người, kiếm được không dưới 500.000 đồng một cách dễ dàng.
4 năm đi khóc Từ năm 2007, tôi thường gặp một bé gái chừng 12 tuổi ngồi khóc ở các góc đường để xin tiền. Khi thì gặp em ngồi ở góc đường Tôn Đức Thắng - Nguyễn Hữu Cảnh (phường Bến Nghé), khi thì ở góc đường Nam Kỳ Khởi nghĩa - Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1)... Bé gái này thường diễn màn “con bị người ta giật vé số”. Sau nhiều ngày tìm hiểu, tôi mới biết em chỉ là công cụ kiếm tiền cho một người đàn ông khỏe mạnh, khoảng 50 tuổi. Hằng ngày, ông ta chở em đến thả ở các ngã tư để… khóc, còn mình thì ung dung ngồi chờ trong quán nước. Đến 21 giờ, bé gái mới được đưa về nhà ở quận 2-TP HCM. |
26 tháng 3 2011
//
TAG
Xã hội
//
0
nhận xét
//
0 nhận xét to "Ăn xin cũng 'hốt bạc'"
Đăng nhận xét
* Bạn có thể nhận xét / góp ý / bình luận tại đây.
* Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
* Bạn chưa có tài khoản vẫn có thể nhận xét bằng cách chọn hồ sơ là Tên/URL (với URL là địa chỉ email hoặc blog của bạn).