Độc đáo chợ tem Hà thành

Nhắc đến “chợ” ai cũng mường tượng ngay cảnh đông đúc, nhộn nhịp, ồn ào tiếng rao của kẻ bán người mua. Nhưng chợ tem đặc biệt này, nhìn bên ngoài chẳng khác gì một quán trà đá vỉa hè.
Đó là chợ tem tại phố Triệu Việt Vương (Hà Nội). Cũng có kẻ bán, cũng có người mua, nhưng thay vì xô bồ, vội vã, người đến chợ lại khoan thai ngồi bên chiếc bàn sắt nhỏ, nhâm nhi chén trà ấm và tỉ tê về tem.
Độc đáo chợ tem Hà thành
Nếu không quan sát kĩ, người ta có thể nhầm chợ tem là một quán cóc ven đường.
Chưa đi chưa biết chợ tem
Cứ 9 giờ sáng Chủ nhật hàng tuần là chợ tem lại họp tại một góc vỉa hè trên đường Triệu Việt Vương. Có lẽ, những ai đi qua con phố này sẽ khó nhận ra có một chợ tem như thế tồn tại. Bởi “gia tài” của chợ chỉ độc chiếc bàn con, bên trên để bộ sưu tập tem của những người giao dịch, vài chiếc ghế nhựa để phục vụ “thượng đế”. Nhìn bên ngoài, chợ tem chẳng khác gì quán trà đá tán gẫu vỉa hè. Điều này cũng làm nên nét đặc sắc của chợ tem Hà thành.
Đây là nơi hội tụ của đủ các thể loại tem, từ tem trong nước đến tem quốc tế, tem sống đến tem chết, tem cổ đến tem hiện đại... Mỗi loại lại có một mức giá khác nhau và mỗi người chơi lại có những sở thích riêng.
Thường thường, tem được trưng thành một khung để bán. Mỗi khung gồm 16 trang, mỗi trang có 5 hàng tem nhỏ được đề giá. Tem “chết”, nghĩa là tem có dấu nhật ấn, có giá khoảng 1.000 - 2.000 đồng. Tem chưa qua sử dụng có giá cao hơn, khoảng 20.000 đồng một con tem. Những chiếc tem vẫn giữ được nguyên phong bì người gửi có giá lên tới 200.000 đồng.
Đây là giá thông thường cho những chiếc tem không đặc biệt. Những con tem quý, mang đậm màu thời gian sẽ có giá “khủng” hơn rất nhiều. Điển hình như bộ tem về người anh hùng Mạc Thị Bưởi phát hành năm 1956, gồm 4 mẫu loại do họa sĩ Bùi Quang Chước thiết kế mỹ thuật, có giá lên đến 7 - 8 triệu đồng.
Ông Vũ Văn Tỵ - Cố vấn Ban chấp hành Hội tem Việt Nam kiêm Tổng biên tập Tạp chí Tem - là người may mắn sở hữu bộ tem này. Ông Tỵ chia sẻ: “Tem được in bằng công nghệ đơn giản trên giấy tầu bạch nên bảo quản không tốt là hỏng ngay. Tôi phải để tem vào giấy bóng kính cất vào trong hộp kín và để nơi khô ráo. Tuyệt đối không được phơi nắng vì rất dễ bay màu”.
Quả thật, có đi chợ tem mới biết thế giới tem đa dạng đến mức nào. Hình dáng tem cũng muôn hình vạn trạng. Tem có răng được dùng cho việc trao đổi thư từ thông thường, còn những chiếc tem vuông vắn, không răng có giá cao hơn và không thể gửi thư được. Thậm chí, có những con tem 2 mặt như con tem Thống nhất đất nước phát hành năm 1975 - 1976.
Thỉnh thoảng, tem còn được in thành block. Chu kì của việc phát hành block tem nhiều khi không cố định. Tại Việt Nam, cứ mỗi dịp xuân về là block tem in hình con giáp của năm đó được phát hành. Nội dung chủ đạo của những bức tranh trên block tem sẽ về nền văn hóa. Ví dụ như block tem tứ quý: Tùng, Cúc, Trúc, Mai; hay di sản văn hóa phi vật thể Cồng chiêng Tây Nguyên; hoặc di sản văn hóa vật thể Cố đô Huế... Người gửi có thể tách từng chiếc tem ra khỏi block để đính lên thư, hoặc cũng có thể đính toàn bộ block tem cho thêm phần ý nghĩa.
Những con tem lỗi lại là những chiếc tem quý. Đơn giản vì nó hiếm. Bởi vậy nên giá thành của chúng tương đối cao. Vừa mua xong chiếc tem ngài Anbert Einstein bị thiếu mất hai mắt, anh Vinh vừa nâng niu “chiến lợi phẩm” vừa khoe: “Con tem này có giá 300 nghìn đấy. Nhưng anh thấy giá này là rẻ lắm rồi!”.
Phiên chợ của lòng đam mê
Ban đầu, những người sưu tầm tem lấy địa điểm này làm nơi để giao lưu, tâm sự với nhau. Dần dần, người đến ngày một đông và thành chợ tự lúc nào. Ông Phạm Hào, người sáng lập ra chợ tem cho hay: “Ở đây không bao giờ nói về chuyện thời sự chính trị, chỉ nói về chuyện tem”.
Độc đáo chợ tem Hà thành
Quả thật vậy, bao cái đầu chụm vào nhau, say sưa nhìn ngắm những con tem và trao đổi những câu chuyện bất tận về chúng. “Mỗi con tem ra đời có một ý nghĩa riêng, một câu chuyện riêng. Biết hết, hiểu hết là điều không tưởng. Nhưng càng đi sâu tìm hiểu càng thấy hấp dẫn lạ kì!”, anh Việt, một vị khách thường xuyên của chợ chia sẻ.
Chơi tem từ khi còn học cấp 1, ông Nguyễn Tiến Đạt hiện nay đã 60 tuổi. Bộ sưu tập tem của ông rất “đồ sộ”, đặc biệt nhất là bộ tem về 1.000 năm Thăng Long. Bộ tem này đã từng đạt giải Mạ vàng Triển lãm tem Bưu chính Quốc gia năm 2010. Bộ tem được ông Đạt sưu tầm trong vòng 5 năm, gồm 5 khung, nội dung trải dài trên các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, kiến trúc... của Hà Nội.
Bên cạnh niềm vinh dự trên, ông Đạt còn sở hữu tấm bưu phẩm có hình Bác năm 1950 có chữ kí của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Đạt tâm sự: “Phải khó nhọc lắm mới chứng thực được đó chính xác là chữ kí của cụ Hồ. Vì thế, tấm bưu thiếp đó đối với tôi là vô giá. Tôi phải cất giữ cẩn thận ở nhà, không mang đến chợ được”.
Từ Sài Gòn ra Hà Nội tham dự chợ tem, ông Vũ Bình chia sẻ: “Cứ có dịp công tác Hà Nội là tôi phải ra đây kiếm vài con tem và phong bì độc độc”. Bởi thế nên khuôn mặt ông tươi tắn hẳn ra khi “rinh” về được chiếc phong bì có dấu trả lại của bưu điện: “Cái này không phải dễ mà có được đâu, nhiều khi phải do may mắn đấy!”, ông Bình háo hức khoe như trẻ nhỏ.


0 nhận xét to "Độc đáo chợ tem Hà thành"

Đăng nhận xét

* Bạn có thể nhận xét / góp ý / bình luận tại đây.
* Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
* Bạn chưa có tài khoản vẫn có thể nhận xét bằng cách chọn hồ sơ là Tên/URL (với URL là địa chỉ email hoặc blog của bạn).

Loading