Tại sao không nên mua hàng "nhái"?

Có nhiều nguyên nhân để người sử dụng nên nói không với các sản phẩm "nhái bén".
Có thể nói, mua đồ nhái không phải lúc nào cũng là một lựa chọn tồi. Thậm chí, xét trên một số điểm nó còn có phần vượt trội hơn hàng chính hãng. Trong thời điểm hiện nay, có rất nhiều người chọn hàng nhái để thay thế các sản phẩm chính hãng. GenK trước đây cũng có bài viết Những lý do để chi tiền cho hàng nhái (link tại đây). Tuy nhiên, trong bài viết này, chúng tôi sẽ thử "lật ngược" và phân tích vấn đề từ một góc nhìn khác. Đó là vì sao không nên mua đồ nhái?
 
 
Khó kiểm soát chất lượng
 
Một trong những lý do khiến người tiêu dùng suy nghĩ đến việc lựa chọn đồ nhái chính là chất lượng khá ổn của chúng. Tuy nhiên, chất lượng cũng là yếu tố đầu tiên khiến chúng tôi khuyên bạn nói không với đồ nhái.
 
Tất nhiên, do có xuất xứ rất đa dạng nên tồn tại nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng, hình thức... của các sản phẩm nhái. Nếu như là một chiếc iPhone thật, việc kiểm tra chất lượng tương đối dễ vì chúng ta biết chắc hãng sản xuất là Apple và có không ít các trang web hỗ trợ người dùng. Trong khi ở các sản phẩm công nghệ nhái, tỉ lệ lỗi là cực kỳ cao và bạn cũng khó có thể biết lỗi do đâu, cách sửa chữa ra sao.
 
 
Hơn nữa, không hiếm trường hợp các "con buôn" gian lận về xuất sức và giá cả của đồ nhái. Lại ví dụ các phiên bản iPhone nhái, chiếc rẻ nhất chỉ 2 triệu đồng trong khi M9 - phiên bản tương đối tốt thì có giá khoảng trên 10 triệu đồng. Việc chúng ta bị lừa lấy các loại "fake 3, fake 4" thay cho "fake 1" mà giá tiền... không thay đổi là điều không hiếm gặp. Hơn nữa, khi phát hiện ra gian lận thì người dùng cũng rất khó để "đòi lại công bằng".
 
Hoạt động không ổn định
 
Yếu tố quan trọng thứ hai khiến tôi khuyên các bạn tránh xa các sản phẩm nhái là tính ổn định của các sản phẩm này thường rất thấp. Thậm chí, chúng đôi khi còn hỏng bất thình lình mà không có dấu hiệu nào báo trước. Hãy tưởng tượng, trong cuộc hội thảo quan trọng, đột nhiên chiếc laptop "nhái" của bạn lăn ra hỏng và kéo theo toàn bộ bản báo cáo mà bạn dày công chuẩn bị. Thật tồi tệ đúng không? Vậy, hãy tránh xa đồ nhái nếu có thể.
 
 
Đương nhiên, ai cũng hiểu được điều này và coi đó là một rủi ro phải đối mặt khi sử dụng các sản phẩm nhái. Tuy nhiên, lời khuyên cho bạn là hãy cân nhắc công việc và giá trị chênh lệch của hàng nhái và hàng chính hãng có đủ để bạn "liều" hay không.
 
Nguy cơ ê mặt
 
Bạn mua một chiếc iPhone nhái để bạn bè phải "lác mắt" vì bề ngoài của nó? Bạn sở hữu một chiếc "Mac Trung Quốc" để thính giả choáng vì sự sang trọng của bạn? Rồi một ngày, bạn bè chợt nhận ra bản chất thật của chiếc iPhone? Chiếc "Mac Trung Quốc" đột ngột "chết" và lộ ra xuất xứ? Bạn nghĩ sao về điều này?
 
 
Mỗi người sẽ có một câu trả lời khác nhau cho tình huống này. Nhưng nói chung là đều ít nhiều xấu hổ. Sẽ rất sai lầm nếu như bạn chọn các sản phẩm nhái để "cho oai bởi ngày mà bạn gặp những sự cố ở trên là không xa và hiển nhiên sẽ xảy ra cho dù bạn cố gắng che giấu thế nào đi nữa. Vì vậy, hãy đừng mua đồ nhái để cho oai rồi một ngày ê mặt vì nó.
 
Nguy cơ phá hỏng những thứ quan trọng và đáng giá
 
Như đã nói ở trên, hoạt động của các thiết bị nhái là hết sức không ổn định. Bạn phải luôn đối mặt với nguy cơ nó hỏng hóc bất cứ lúc nào và tệ hơn là kéo theo hàng loạt linh kiện hay thiết bị khác của bạn hỏng theo.
 
 
Ví dụ: bạn chọn một chiếc nguồn nhái cho chiếc máy tính thân yêu. Bạn sẽ phải đối mặt với nguy cơ thay lại các linh kiện mới do chập điện. Bạn mua chiếc sạc nhái cho iPhone của mình, ngày hôm sau tỉnh dậy bạn thấy 20 triệu của bạn đang tỏa ra mùi khét. Bạn mua giá đỡ "tàu" cho iPad, giá đỡ gãy, bạn có nhiều khả năng mất tiền mua iPad mới. Thật không đáng đúng không nào?
 
Hay tệ hơn, khi các sản phẩm như điện thoại đang cháy nổ khi nghe, máy tính cháy đem theo toàn bộ dữ liệu của bạn... Nói chung, bạn hãy cân nhắc những nguy cơ này trước khi chọn "hàng nhái".


0 nhận xét to "Tại sao không nên mua hàng "nhái"?"

Đăng nhận xét

* Bạn có thể nhận xét / góp ý / bình luận tại đây.
* Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
* Bạn chưa có tài khoản vẫn có thể nhận xét bằng cách chọn hồ sơ là Tên/URL (với URL là địa chỉ email hoặc blog của bạn).

Loading