Đề : Phân tích sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị (Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài)

Có những sở thích nhất thời, song cũng có những sở thích đời đời không thay đổi, có
những nỗi đau thoáng qua và cũng có những vết thương hằn sâu theo năm tháng. Nếu giở những
trang đời đẫm lệ của Kiều ta sẽ khóc, nếu Chí Phèo chết ta xót thương thì khi đọc Vợ chồng A
Phủ ta cũng cho phép tim mình rung lên theo tiếng thổn thức của Mị. Một cô gái trẻ phải chôn vùi
cuộc đời thanh xuân trong nhà tên thống lí đến khi trốn khỏi Hồng Ngài, ta vẫn còn thấy được một
sức sống tiềm tàng mãnh liệt trong người con gái Mèo ấy!
Hạt nẩy mầm ra hoa kết trái là một qui luật tự nhiên. Là con gái lớn lên lấy chồng về làm
dâu nhà chồng cũng là một tự nhiên và cũng là mơ ước của họ. Thế nhưng, hạnh phúc rất nhiều
song nói như người đời, ông trời lại hay ích kỉ, ông chỉ ban cho một số người hạnh phúc còn khổ
đau dường như nhân loại ai cũng được hưởng. Em nhớ H.Banzac trong “Miếng da lừa” có viết
“Trên đời không có gì trọn vẹn hơn sự bất hạnh” là vậy. Ngay cả hạnh phúc tưởng chừng như tầm
thường dễ dàng đó cũng không mỉm cười với Mị, nó quay lưng với cô và mở cho cô trang đời cơ
cực: trang đời đẫm đầy nước mắt.( baodientu.tk )
Chân dung Mị hiện lên đầu tác phẩm gần như là tảng đá chai sạn khô lạnh, dường như
ngọn lửa tình người đã vĩnh viễn tắt ngấm trong trái tim cô. Cô cứ “lùi lũi như con rùa nuôi trong
xó cửa”. Từ ngày bị bắt về làm dâu gạt nợ trong nhà thống lí đến nay, gương mặt Mị chỉ toàn
nước mắt. Gia đình Pá Tra nào có xem Mị là một con người, là một thành viên hợp pháp? Một
con ở! Thậm chí một con vật. Làm việc cạnh tàu ngựa, buồng ngủ gần tàu ngựa Mị giống như con
ngựa nhà thống lí. Ngày nối ngày, Mị chỉ biết “quay tơ hái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi, đi cõng
nước”. Mị tồn tại đấy song chỉ là cái xác biết đi, linh hồn Mị tắt lịm từ bao giờ rồi.
Song, thật sự Mị vẫn chưa chết, con người của Mị ngày xưa vẫn còn sống trong thể xác héo
mòn và vẫn tiềm tàng một sức sống mãnh liệt. Mị là con của núi rừng sơn cước, dòng suối rừng
cây đã nhen nhóm trong cô một vẻ hồn nhiên mộc mạc. Cô sống như chính cô, không giả dối,
không tính toán so đo. Mị rất yêu đời. Cô đẹp, cô có tài thổi sáo và đã từng vui chơi như tất cả
mọi người. Cô không có con trai khép kín dưới lòng biển sâu mà cô là cánh chim hay hót của núi
rừng. Mị đã từng phản đối khi nghe tin Pá Tra đòi bắt cô về làm dâu gạt nợ. Mị bảo với bố “Con
nay đã biết cuốc nương làm ngô, con phải làm nương ngô giả nợ cho bố. Bố đừng bán con cho
nhà giàu”. Mị yêu tự do, Mị yêu cuộc sống Mị muốn là cánh hải âu không sợ biển lớn, sông dài,
cô sẵn sàng trả bằng mọi giá để được tự do bên bố, bên gia đình, được yêu, được ca hát. Mị đã có
ý thức hẳn hoi về cuộc sống, thế nhưng sự ngang trái cuộc đời đã chụp lên Mị màu đen tang tóc.
Đối với Mị tự do là điều quí nhất. Song, đóa hoa vừa chớm nụ xuân vừa rung rung ngỡ ngàng đón
cuộc đời mới - đời thiếu nữ - đã bị người ta ngắt, người ta vò nát, không thương tiếc: Mị bị A Sử
bắt.
Đau đớn đến tận cùng “có đến hàng mấy tháng đêm nào Mị cũng khóc” và rồi chính sức
sống mãnh liệt, chính tình yêu cuộc sống đã đưa Mị đến ý định tự tử: Thà tự hủy diệt thân xác còn
hơn sống mà không được tự do, sống theo lí tưởng của mình. Những ngang trái cuộc đời không
buông tha Mị, cũng như bể khổ thế gian không cho phép Kiều phải chết, nàng phải sống, sống
chịu đọa đày.Và Mị không thể chết vì Mị phải sống để gánh trên vai mối nợ truyền kiếp của cha
mẹ. Cha mẹ cô cả đời khổ cực còn phải sống vì con. Còn cô? Cô đã làm gì chưa? Cô không thể
chết phải cam chịu làm tảng đá vô tri, làm kiếp ngựa, kiếp con rùa thui thủi xó cửa nhà giàu. Năm
tiếp năm, tháng tiếp tháng, ngày lại nối ngày, Mị cam chịu tất cả! Con ngựa con trâu làm còn có
lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ còn Mị chưa bao giờ được nghỉ ngơi. Ngày giờ
chồng lên chừng nào thì sức sống của cô gái ngày xưa bị tiêu hao chừng ấy. “ở lâu trong cái khổ,
Mị quen khổ rồi”. Sự đọa đày đã trói buộc đã biến Mị thành nô lệ gần mất hẳn sức sống Mị quên
hẳn việc tử tự của những năm về trước. Đối với Mị lúc này thời gian là vô nghĩa. Mị chỉ biết làm
việc mà thôi. Đáng lo thay khi con người mất dần nhận cảm về thời gian vì như thế con người đó
đã chết. Họ họat động chỉ bằng bản năng còn đời sống tâm hồn đã tắt ngấm buồn vui, thời gian
trôi qua thật vô nghĩa. Thế lực phong kiến và thế lực thần quyền trong nhà thống lí đã nghiến nát,
đã tước đọat được cuộc đời thanh xuân, yêu, sống của Mị.
Đọc phần đầu tác phẩm em không khỏi liên tưởng Mị là cô Huệ Chi trong Cửa biển của
Nguyên Hồng. Song, công bằng mà nói Huệ Chi hạnh phúc hơn Mị. Nàng chỉ sống như đã chết
trong một thời gian ngắn mà thôi – lúc bị ép gả cho tên tướng Nhật và nàng lại diễm phúc hơn Mị
gấp bội lần. Nàng được chết, được trở về một thế giới ngát hoa vĩnh hằng với đôi tay rộng mở tình
yêu của Mẹ. Còn Mị đau đớn thay khi cô phải kéo lê cuộc đời khổ ải hàng mấy năm. Nhưng rồi
Chí Phèo vẫn còn được bát cháo ân tình của Thị Nở đánh thức. Mị cũng thế! Người con gái yêu
đời, yêu cuộc sống như thế mà lại phải “chết” dễ dàng thế sao?
Em rất tâm đắc với hai chi tiết:
Thứ nhất là tiếng sao đêm xuân.
Tiếng sáo vang dội từ xa, len lỏi vào tâm hồn Mị. Tiếng sáo ngân vang ấy đã mở cửa ngôi
nhà tâm hồn từ lâu “im ỉm khóa” của Mị. Mị chợt nhớ – Lần đầu tiên qua bao năm nay kí ức chợt
ùa về với Mị, Mị nhớ đến ngày trước “Mị thổi sáo giỏi. Mùa xuân này Mị uống rượu bên bếp lửa
và thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị”. Và lần đầu tiên, lại
cũng là lần đầu ý định tự tử lại đến và Mị ước “Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn
cho chết ngay”. Khi con người ta muốn chết, hơn lúc nào hết lúc đó người ta tha thiết yêu cuộc
sống và chính vì không được cuộc sống đáp ứng nên họ rơi vào sự thất vọng và tìm đến cái chết.
Sức sống của Mị không bị hủy diệt mà tiềm ẩn và hôm nay như có một luồng gió mới thổi vào nó
có dịp trỗi dậy. Mị đang thả hồn theo tiếng sáo như lần theo sợi dây quá khứ để tìm về những
ngày xưa hạnh phúc. Và bất giác “Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng”. Mị
muốn đi chơi, Mị “ngồi xuống giường trông ra cái ô cửa sổ mờ mờ trăng trắng”. Còn ô cửa sổ
nhỏ?
Ô cửa sổ trong tác phẩm này là một không gian nghệ thuật, nơi ấy Mị nhớ về quá khứ, về
thuở con gái. Không gian mờ đục đó hôm nay, Mị mới nhận thức được. Bấy lâu nay Mị nào có
quan tâm. Không gian âm u có phải chăng là đời Mị? Một cuộc đời trong màn sương không lối
thoát, Mị có phải chăng là con mồi mãi sa vào lưới nhện? Hôm nay, tiếng sáo luồn qua khung cửa
đã làm cho Mị nhớ về quá khứ, một thời son trẻ được tái hiện qua lớp “mờ mờ trăng trắng” ấy.
Con người thực tế trong Mị đã sống dậy thay thế cho con người vô thức. Thế mà, mãi mãi bất
hạnh cứ không thôi bám riết lấy Mị. Hai lần vươn tay đến hạnh phúc, hai lần sức sống trở về là hai
lần A Sử đã lấy đi mất, đã dang tay đẩy Mị trở về số kiếp con rùa, con ngựa. A Sử trói Mị tàn ác
như thời trung cổ, nhưng Mị bất chấp tất cả, Mị không sợ, Mị đang sống với hạnh phúc kỉ niệm,
đang thả trôi mình theo tiếng sáo. Thế nhưng sự tàn ác luôn không cho Mị hưởng hạnh phúc dầu
một thời gian ngắn ngủi thôi. Mị trở về kiếp lùi lũi như con rùa con ngựa.
Cuối cùng sức sống ấy đã trỗi dậy hơn lúc nào hết, nó mãnh liệt bội phần. Lần Mị cởi trói
cho A Phủ. Thoạt tiên lúc thấy A Phủ, Mị nhìn. Một cái nhìn hờ hững không xúc động, không lạ
lùng. Cảnh nhà này trói người là chuyện thường. Nhưng đến một đêm, như bao đêm nào Mị cũng
thức dậy và vẫn “thản nhiên thổi lửa hơ tay”. ánh lửa “bập bùng sáng lên” chính ánh lửa ấy đã
buộc Mị “lé mắt trông sang thấy hai mắt A Phủ cũng vừa mở, một dòng nước mắt lấp lánh bò
xuống hai hõm má đã xám đen lại”. Và cũng như tiếng sáo, dòng nước mắt đau khổ của một con
người đau khổ đã lôi tuột Mị trở về quá khứ khổ đau ngày nào.
Nhìn A Phủ đứng đấy như một xác chết, bất giác Mị lại nhớ đến mình “Trông người lại
ngẫm đến ta” là vậy, Mị nhớ đến hôm ấy mình cũng đã chịu trói như thế và nước mắt chảy xuống
miệng, xuống cổ… không ai biết, ai hay. Nhìn A Phủ Mị thương mình quá! Sao đời mình lại khổ
đến thế! Và từ thương bản thân Mị nghĩ đến người, nghĩ đến người đàn bà đã bị chết trói, nghĩ đến
A Phủ Mị căm giận lũ người vô lương. Cái thương, cái căm giận, cái phẫn nộ ấy khác nào như
nguồn hơi bơm vào một quả bóng đã căng và căng đến mức phải nổ tung, chính những điều đó đã
làm Mị quan tâm đến A Phủ, một con người khổ sở chỉ vì đánh mất một con bò mà phải đem
mạng mình đánh đổi. Không! Mị nhủ A Phủ không lí do gì phải chết. Và Mị đã hành động: “Mị
rón rén bước lại, A Phủ vẫn nhắm mắt, nhưng Mị tưởng như A Phủ đương biết có người bước lại,
Mị rút dao nhỏ cắt lúa, cắt nút dây mây. A Phủ cứ thở phè từng hơi không biết mê hay tỉnh”.
Mị hành động không hề tính toán. Thật vậy sau khi cởi trói cho A Phủ “Mị cũng hốt
hoảng” Mị hành động chỉ vì thương và ý định trả thù… Mị không muốn một cái chết lại xảy ra,
một tội ác nữa lặp lại, dù sao Mị cũng là một con người, Mị có trái tim nhân hậu của một con
người. Và hành động đó là sự phản kháng của sức sống ngày xưa. Có người cho rằng đây là một
hành động tự phát vô ý thức. Song theo em vẫn có thể hiểu đây là một hành động xuất phát từ một
quá trình vận động tâm lí có ý thức. Có thể xảy ra lắm chứ!
Nhưng cái quan trọng ở đây là kết quả một sức sống tiềm tàng, tiềm ẩn của Mị trước đó.
Mị cởi trói cho A Phủ là đã tự tay giật bỏ vòng xiềng xích cho mình. Và hành động tự giải phóng
này của Mị có nguồn gốc từ cái buồn “rười rượi” từ cách uống rượu từng bát như uống cay đắng
tủi nhục của cuộc đời…Và dĩ nhiên, nó trực tiếp hơn nhờ vào tiếng sáo gọi bạn, tiếng sáo đã làm
cho lòng Mị bùng lên một ngọn lửa vốn dĩ đã dập tắp từ lâu.
Giữa màn đêm u tối, Mị lao theo A Phủ, Mị lao vào bóng đêm để xé tọac bóng đêm đến
với ánh sáng của tự do và hạnh phúc. Mị chạy theo A Phủ chạy trốn để tìm một vùng đất mới, để
sống với hạnh phúc, được làm con người. Mặc dù giữa Mị và A Phủ chưa hề có khái niệm tình
yêu, thứ tình yêu trai gái nhưng ở họ có một thứ tình khác: tình người, người cùng đau khổ. Và họ
đã biết rằng phải dựa vào nhau để sống. Chỉ có một con đường sống, duy nhất và con người thực
của cô gái Mèo ấy đã thắng, cô lao đi quên tất cả, quên thế lực quên sự trả thù của cha con thống
lí, quên đi con ma thần quyền chi phối, trói buộc cụôc đời cô. Đối với cô bây giờ tự do là trên hết.
Cô lao đi, đi đến phía trước dù cô chưa định hình rõ nhưng đấy là đường sống. Khác với chị Dậu
trong Tắt đèn Chị Dậu lao ra đêm đen, và bóng tối như muốn nuốt chửng chị ấy, chị mò mẫm
trong vùng tối ấy. Chị không có con đường sáng để đi. Chị lao ra chỉ đơn thuần là tránh nạn, chị
lao ra để mà lao ra song không lối thoát: Chị Dậu không thể tự giải phóng nổi mình “Trời tối như
mực và như cái tiền đồ của chị”. Còn Mị, Mị lao ra để cùng đi với A Phủ đến một miền đất sống.
Kết thúc đoạn trích là cảnh A Phủ dìu Mị lao xuống dốc. Có lẽ tác phẩm dừng ở đây thì em
chắc hẳn người đọc ai cũng sẽ tin chắc rằng A Phủ và Mị sẽ được sống yên lành và hạnh phúc.
Bởi lẽ với sức sống mãnh liệt với niềm yêu cuộc sống đến thế thì không thể nào họ (mà đặc biệt là
Mị) lại có thể không tìm được cuộc sống đích thực như í muốn. Và không những chỉ có Mị mà bất
kì một ai khác đều yêu tin vào cuộc sống thì sớm hay muộn trái ngọt hạnh phúc cũng đến với tay
họ, dù hôm nay đang chịu nhiều đau khổ, nhọc nhằn. “Hạnh phúc là một sự đợi chờ” (J.Rútxô).


0 nhận xét to "Đề : Phân tích sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị (Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài)"

Đăng nhận xét

* Bạn có thể nhận xét / góp ý / bình luận tại đây.
* Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
* Bạn chưa có tài khoản vẫn có thể nhận xét bằng cách chọn hồ sơ là Tên/URL (với URL là địa chỉ email hoặc blog của bạn).

Loading